Ngành bao bì đua công nghệ

Yêu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe, đòi hỏi bao bì không chỉ tiện lợi, mỏng, nhẹ mà còn phải an toàn, thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong ngành bao bì hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại phải có nguồn lực và chịu đổi mới, áp dụng công nghệ cao.

Theo các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống, bao bì sản phẩm là yếu tố quyết định để người mua lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, sau các thương vụ M&A diễn ra khá sôi động thời gian qua với hàng loạt tên tuổi mới như SSG, Oji Holding Corporation, Sagasiki Vietnam, RISA Partners… thì bây giờ là giai đoạn chạy đua công nghệ sản xuất.

“Trong cuộc đua này, doanh nghiệp chậm chân sẽ mất cơ hội và lợi thế”, Tetra Pak khẳng định, đồng thời thừa nhận đã mất cơ hội khi nhiều năm qua chỉ tập trung cho ngành hàng bao bì sữa, trái cây trong khi còn rất nhiều sản phẩm từ các ngành hàng khác có nhu cầu sử dụng bao bì rất lớn.

Cụ thể, lĩnh vực bao bì nhựa đang rất tiềm năng và chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 37% trong ngành nhựa, bên cạnh đó, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng trên 10%, trong đó nước giải khát đóng chai, nước thảo mộc sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình trên 24%/năm.

Vì vậy, chiến lược của Tetra Pak là nhắm đến đầu tư máy móc công nghệ cao để sản xuất bao bì cung ứng cho ngành thực phẩm ăn nhanh như hộp đựng súp, ngô, cà chua, mì ăn liền… có thể cho vào lò vi sóng.

Cùng nhận định thị trường bao bì đang đi theo xu hướng đa dạng và ngày càng khắt khe, khách hàng không chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe mà còn muốn biết sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu, công nghệ sản xuất ra sao, có ảnh hưởng môi trường hay không, ông Đặng Ngọc Hùng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin khẳng định: “Nếu chỉ tập trung vào các sản phẩm đơn giản, bình thường như lâu nay vẫn làm thì doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh mà phải có chiến lược định hướng khách hàng cụ thể, từ đó lên kế hoạch đầu tư phù hợp. Do chọn phân khúc khách hàng là các công ty lớn, đa quốc gia, năm qua Liksin đã tập trung đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý, trong đó đột phá nhất là đã đầu tư máy thổi tạo ra 9 lớp bao bì đáp ứng nhu cầu bảo quản dược phẩm và thực phẩm chất lượng cao”.

Dù mới vào Việt Nam nhưng nắm bắt ngành sản xuất xi măng đang chú trọng phát triển bền vững và ưu tiên đóng gói giảm tối đa bụi xi măng, cuối năm 2016, Công ty BillerudKorsnäs (có nhà máy sản xuất bao bì tại Anh và Phần Lan) đã có kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp tại Việt Nam, trước mắt là bao bì giấy đóng gói xi măng.

Ông Robert Graves công bố, trong năm 2017, Tetra Pak sẽ xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy đóng gói thực phẩm dạng lỏng đầu tiên tại tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư khoảng 100 triệu Euro, tổng công suất 20 tỷ hộp bao bì mỗi năm và sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019.

Với gần 20 năm hoạt động và không để mất ưu thế, trong năm 2016, New Toyo đã đổi mới máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời giảm sai số, nâng tính chính xác cho sản phẩm và tự hút bụi cho chuyền, cảnh báo lỗi. Công ty cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy đạt chuẩn GMP.

Tranh thủ thời điểm tỷ giá đồng Euro lần đầu tiên ngang bằng đồng USD, Công ty CP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) lên kế hoạch nhập khẩu máy phun ép, máy đùn thổi màng từ Đức, Pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết kiệm chi phí. Tương tự, Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát cũng nâng cấp công nghệ và đưa vào hoạt động nhà máy mới nhằm đa dạng hóa các loại bao bì thực phẩm với mục tiêu duy trì lợi nhuận cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu.